Người Hướng Nội Học Truyền Thông

Có một dạo, mình chia sẻ vài bài viết nói về việc mình là người hướng nội và những thông tin về người hướng nội mà mình đọc được. Rất nhiều bạn sau đó đã gửi tin nhắn cho mình với các câu hỏi đại ý: “em cũng là người hướng nội và muốn học truyền thông, không biết em có học được/ nên học không chị nhỉ?”, “người hướng nội làm thế nào để tham gia hoạt động ngoại khoá chị nhỉ, em lúc nào cũng chỉ muốn ở một mình thôi”, “làm thế nào để người hướng nội tự tin hơn chị ơi”… Thực sự thì mình không phải nhà nghiên cứu về tính hướng nội, cũng chưa đọc quá nhiều sách về chủ đề này. Thậm chí, cũng giống như bạn, cho dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, mình cũng chưa dám nói mình hiểu về bản thân mình.

Hôm vừa rồi có chơi trò trả lời các câu hỏi các bạn gửi về trên Instagram, mới nhận ra nhiều bạn quan tâm đến chủ đề này tới vậy. Thế là cũng hạ quyết tâm ngồi viết ra vài dòng chia sẻ về các trải nghiệm cá nhân khi là một người hướng nội học và làm truyền thông. Trước khi bắt đầu những dông dài chưa định trước của mình, mình muốn trích dẫn và lưu lại ở đây ba mẩu chia sẻ ngắn về ba người bạn hướng nội của mình.

Người đầu tiên là Duy. Duy là người hướng nội mang tính hướng ngoại. Trong tiếng Anh có từ “ambivert” để miêu tả những người mà tính cách vừa có nét hướng nội vừa có nét hướng ngoại. Mình vẫn nghĩ từ này không đúng lắm với Duy. Duy hướng nội nhiều hơn, kiểu hướng nội luôn tự tin và hài lòng với sự hướng nội đó nhưng cũng biết cách cân bằng cuộc sống bằng cách thể hiện tính hướng ngoại khi cần thiết. Hôm bữa hỏi Duy là người hướng nội thì có gì hay hả Duy. Duy vừa tập đàn một bài mới vừa trả lời, đại ý thế này, trong xã hội mà ai cũng tìm kiếm và đề cao các tính cách của những người hướng ngoại, người hướng nội vượt qua được điều đó và chứng tỏ được bản thân mình, đó đã là một điều rất hay rồi.

Người thứ hai là chị Mai Anh. Chị Mai Anh có lẽ là người hiểu về hướng nội nhất trong số những người mình biết. Hồi đầu năm, chị Mai Anh có nhắn tin hỏi “Dora là ISFP đúng không?”. Khi đó mình mới ngớ người ra. “Biết mình introvert mà không biết MBTI test à?”. Lúc đó mới lận đận đi làm test để xem mình thuộc nhóm tính cách nào. Hoá ra là ISFP thật. Có rất nhiều link để làm bài test này, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Nếu lười thì đây www.16personalities.com/free-personality-test, Mai Anh có biết khá nhiều link bài viết hay về người hướng nội, nếu các bạn quan tâm có thể để lại bình luận bên dưới. Quay lại chuyện Mai Anh đoán trúng mình là ISFP, nhưng Mai Anh đoán sai về Duy. Duy là INFP chứ không phải INFJ. Mai Anh đoán vậy vì “thấy giỏi giao tiếp, thấu hiểu lòng người, suy nghĩ cũng chu đáo, có đứa bạn chị kiểu như vậy.” Vài bữa trước bảo Mai Anh ơi chia sẻ gì đi, em đang muốn viết một bài về hướng nội, có bạn hỏi em người hướng nội thì tham gia hoạt động ngoại khoá thế nào. Lúc ấy, Mai Anh tương luôn câu, khẳng định Mai Anh là “loại chả mấy khi tham gia hoạt động ngoại khoá đấy.” Mình sẽ trích dẫn nguyên văn phần chia sẻ của chị Mai Anh bên dưới, mặc dù chị Mai Anh bảo dài quá, nhớ cắt ngắn lại. Nhưng mình nghĩ nó thực sự là những chia sẻ thú vị, bạn có thêm một góc nhìn từ một người hướng nội nữa.

“Sau một thảm họa, Trái Đất bị xâm chiếm bởi lũ quái vật cực kì nhạy cảm với âm thanh. “If they hear you, they hunt you”. Vì vậy, chỉ những người có khả năng giữ im lặng mới có thể sống sót. Well, chào mừng bạn đến với những người có khả năng sống sót cao nhất trong thế giới ấy – introverts, mà mình là một trong số đó. Và điểm mạnh nhất của mình đương nhiên là khả năng giữ im lặng rồi.

Hehe, đùa đấy. May mắn là viễn cảnh trên chỉ có trong phim. Và không phải introvert nào cũng là những người im lặng, có một số hùng biện rất giỏi đấy. Thực ra có rất nhiều hiểu nhầm về introvert mà ngay cả introvert cũng mắc phải. Thế giới rất đa dạng, mọi người đều khác nhau cả. Theo mình, điều quan trọng nhất là phải hiểu chính bản thân mình và tìm tới những nơi, làm những việc phù hợp với mình. Rất quan trọng đấy. Chẳng phải Einstein từng nói “Everyone is a genius. But if you judge a fish by its ability to climb a tree, it will live its whole life believing that it is stupid.” còn gì?

D bữa nay hỏi mình về điểm mạnh yếu của mình với tư cách một introvert. Hi vọng chia sẻ của mình sẽ tới được những ai còn đang băn khoăn.

Điểm yếu nhất của mình chắc là sự tự tin. Có nhiều việc mình muốn làm, nhưng có những nỗi sợ vô hình nào đó cứ níu mình lại. Ví như, bạn mình buồn, mình rất muốn an ủi mà không thể nói lời nào. Hay, điều sai quấy mình muốn thẳng thắn nói ra mà không được. Muốn tham gia vào một câu chuyện mà chẳng biết phải làm sao? Mình từng ghét các buổi liên hoan tiệc tùng vô cùng vì cứ thấy mình lạc loài sao sao. Và mình từng siêu siêu GATO với mấy người bạn vừa thẳng thắn vừa tự tin lại còn cá tính của mình. Không biết có bạn nào từng trải qua những cảm giác này chưa?

Nhưng sau này, mình đã tìm được giải pháp đơn giản lắm, đó là… không ép mình làm những điều mình không muốn nữa. Nếu một cuộc trò chuyện, mình không có gì để nói thì mình sẽ im lặng, vừa theo dõi được diễn biến câu chuyện, có khi thấy gì đó hay hay, lại không mệt mắc công nghĩ phải nói chi. Nếu không biết phải nói gì an ủi, thì cứ im lặng quan tâm là được rồi. Còn điều sai quấy muốn phản đối thì … chưa nghĩ ra.

Thay vào đó, mình làm nhiều hơn những việc mình muốn làm. Như mình coi thật nhiều film này (nhờ đó mà vô tình trình độ nghe tiếng anh tăng cấp sau một năm), mình đọc nhiều sách (nhận thức của mình cũng tăng lên, mình hiểu bản thân hơn từ đó), hay chỉ đơn giản là mình đi dạo một mình nhiều hơn này và nghĩ vu vơ (từ đó mình chú ý tới thiên nhiên, cảnh vật hơn, mình nhận thấy những điều nhỏ nhặt mà chẳng mấy ai để ý rồi vui vui với phát hiện ấy)…

D nói với mình rằng có bạn bảo chỉ muốn ở một mình thì tham gia hoạt động ngoại khóa thế nào? Không biết bạn ấy có thích động vật không? Chăm sóc động vật cũng tính là một hoạt động tình nguyện mà. Có thể bạn không thích động vật, nhưng chắc sẽ có sở thích nào đó chứ.

Sở thích của bạn chính là điểm khởi đầu và là chiếc la bàn chỉ dẫn cho bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm những công việc liên hệ mật thiết với sở thích của bạn. Tìm cho mình một mục đích và làm điều mình thực sự muốn làm. Đừng ép mình làm việc gì đó chỉ vì lý do là ai cũng làm. Thực ra có rất nhiều lựa chọn, bạn chỉ cần lạc quan và chịu khó tìm kiếm thôi.

Còn điểm mạnh à? Chắc nhiều bạn từng đọc cuốn Quiet của cô Susan và cảm thấy niềm an ủi. Còn thực tình, mình đọc sơ sơ cuốn ý, lại thấy hơi tủi thân vì… hổng có mấy đức tính cổ nêu (kiên nhẫn, dịu dàng, thấu hiểu… nè). Mình dễ nổi nóng, lầm lì, và siêu cứng đầu. Phải một thời gian dài tìm hiểu, mình mới lờ mờ nhận ra điểm mạnh: mình có thể hiểu những thứ mọi người coi là phức tạp như mớ công thức toán chả hạn. Không phải do mình giỏi giang thông minh gì đâu, mà bởi đó là điều mình thích làm: thích suy nghĩ, thích hiểu cơ chế mọi thứ, và thích biết tới thật nhiều ý tưởng.

Bạn sẽ có những ưu điểm riêng của bạn, không giống mình. Cũng như mình không giống những người hướng nội được miêu tả trong cuốn Quiet. Nhưng bạn là nhất quyết phải tìm ra điểm đó và lắng nghe nó. Đừng quá áp lực vì chữ điểm mạnh hay tài năng, chỉ cần lắng nghe xem mình muốn làm gì, mình vui nhất khi làm gì là được.

P.S. 1: Cách giải quyết của mình không phải duy nhất và tối ưu, nhưng nó phù hợp với mình.

P.S. 2: Chị nghĩ một điểm introvert có khả năng tốt hơn extrovert đó là khả năng đứng lại (trước môi trường và cuộc sống quá hối hả) để nhìn lại mọi thứ, để hiểu mọi thứ và làm những gì thực sự quan trọng hơn là bị cuốn đi. Đi chậm lại một chút.”

Người thứ ba là Nga. Nga là bạn cùng lớp của mình trong khoá học truyền thông ở Ireland và Nga cũng là một người hướng nội. Có một điểm chung giữa cả ba người bạn hướng nội của mình và đặc điểm đó thể hiện rõ nhất ở Nga đó là khả năng quan sát, ghi nhớ những tiểu tiết và quan tâm những người xung quanh. Phần chia sẻ của Nga mình cũng sẽ trích dẫn nguyên văn, cảm thấy sẽ rất có ích với những bạn cũng đang học truyền thông và hướng nội giống bọn mình.

“Cá nhân em thấy người hướng nội có hai kiểu: một là ít nói, chú trọng tiếng nói bản thân, anti-social. Loại hai: lắng nghe bản thân rất nhiều nhưng đồng thời lại coi trọng các mối quan hệ xã hội. Nhưng cả hai kiểu này nói cho cùng đều luôn tự mâu thuẫn với bản thân mình rất nhiều, đặc biệt là loại thứ hai. Xử lý những xúc cảm cá nhân đã khó, cân bằng cảm xúc cá nhân để tìm cách hoà hợp với môi trường bên ngoài càng khó hơn. Và cũng chính vì thế mà kiểu người này vừa hợp vừa không hợp để làm truyền thông.

Truyền thông về cơ bản là cầu nối, kết nối cá nhân với cá nhân, cái này là nhu cầu tự thân của con người, không kể hướng nội hay hướng ngoại. Nhưng là người hướng nội, việc học truyền thông có vẻ phức tạp hơn. Hiểu truyền thông thì dễ, làm truyền thông thì khó vì cách thức làm muôn hình vạn trạng, cả tốt lẫn xấu.

Lúc học, đó là quá trình lành tính. Lúc làm, va chạm nhiều hơn, hiểu rõ truyền thông nhiều khi là sự phóng đại, gian dối (cho dù mục đích tốt), người hướng nội dễ rơi vào tình trạng kháng cự bản thân. Nhưng bù lại, người hướng nội vì có thế giới riêng, vì nói ít lắng nghe nhiều nên hộ quan sát rất tốt. Và vì quan sát tốt nên rất chi tiết và tinh tế. Bên cạnh đó, họ có trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo tốt, là những chất liệu rất cần cho truyền thông.”

Có một điểm khá thú vị là khi mình đặt câu hỏi trên Instagram của mình “Bạn có phải là người hướng nội không?” thì có đến 91% các bạn trả lời có. Chắc vì những người hướng nội thường chơi với nhau. Đa số các bạn gửi tin nhắn đều cho mình cảm giác: đối với các bạn ấy, hướng nội là một nhược điểm, một rào cản, một khó khăn, một thách thức.

Ý niệm đó hầu như không tồn tại trong đầu mình, hoặc nếu có, cũng không khiến mình lo lắng, cho đến khi mình phát hiện ra mình muốn theo đuổi ngành truyền thông và đa số những bài đăng tuyển dụng các vị trí trong ngành truyền thông lại cho thấy họ đang tìm kiếm những người hướng ngoại.

Ngay cả khi đã ý thức được điều đó, mình cũng cố gắng không lo lắng. Mình sẽ mặc định các bạn đều đã hiểu về chính mình, ít nhất hiểu lơ mơ rằng mình là người hướng nội hay hướng ngoại. Nếu cần, bạn có thể tìm đọc lại một bài trên Góc nhỏ của Cây trước đây, tóm tắt lại một chương sách mà mình từng đọc về các biểu hiện của người hướng nội.

Mình chỉ muốn tập trung trả lời câu hỏi của một số bạn, đại ý chung vẫn là, người hướng nội có theo nghề truyền thông được không? Thực ra, mình hy vọng bạn sẽ tự tìm ra câu trả lời cho mình sau khi trả lời hai câu hỏi dễ hơn bên dưới này.

Cozy flatlay

Câu hỏi thứ 1: Bạn có sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của mình không?

Là một người hướng nội, vùng an toàn của chúng ta thường là khoảng không gian một mình, đọc sách, xem phim, nghe nhạc… Chúng ta mất nhiều năng lượng khi tiếp xúc với quá nhiều người và chỉ có thể tìm lại chúng khi ở một mình và dành thời gian cho bản thân.

Thế nhưng, đặc thù công việc của ngành truyền thông, như Nga đã chia sẻ trước đó, là kết nối. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ kết nối đó, đôi khi bạn phải làm những việc bạn không cảm thấy thoải mái, cảm thấy chúng thật khó khăn và đáng ghét. Trò chuyện với những người có mặt trong sự kiện, thuyết trình trước đám đông, bảo vệ ý kiến của mình trước mặt người khác…

Là người hướng nội không phải chuyện gì đó xấu xa. Là người hướng ngoại cũng vậy. Học thêm những kỹ năng mới, có thêm những trải nghiệm mới không có nghĩa bạn phản bội tính hướng nội của mình. Trở nên hướng ngoại một chút không có nghĩa bạn đang sống dối gạt bản thân.

Mình là người hướng nội cực kì hướng nội. Nhưng mình cố gắng để nó không ảnh hưởng đến việc học tập hay công việc của mình. Nhiều bạn cho rằng nhút nhát và anti-social là bản tính của người hướng nội. Điều này hoàn toàn sai lầm. Người hướng nội có thể nhút nhát nhưng nhút nhát không phải là bản tính của họ. Hãy nhìn Bill Gates, một người hướng nội và bạn có thể sẽ nghĩ khác. Đừng đổ lỗi của sự nhút nhát và xa lánh xã hội của bạn cho tính hướng nội. Thay vào đó, hãy làm điều gì đó để thay đổi nó.

Mình đã từng rất sợ gặp gỡ người khác. Thế là mình quyết định tham gia câu lạc bộ Truyền thông ở trường đại học để buộc mình phải đi gặp gỡ bạn này bạn kia để phỏng vấn viết bài, mỗi tuần phải đi họp đều đặn và thỉnh thoảng đi ăn uống với cả câu lạc bộ. Mình thậm chí còn đăng ký tham gia các cuộc thi, các hội nghị ở nước ngoài chỉ để buộc bản thân phải thoát ra khỏi vùng an toàn mà mình đang có. Bạn đừng nghĩ rằng những gì bạn làm phải mang lại kết quả gì đó to tát. Mình vẫn nhớ năm hai đại học, mình rủ đứa bạn tham gia cuộc thi thuyết trình về môi trường. Mình rủ nó tham gia để chia sẻ áp lực vì hồi đó mình ngại nói trước đám đông lắm, có nó thì mình chỉ cần nói ngắn đi một nửa. Rốt cuộc thì hai đứa mình chỉ được giải khúc khích đúng nghĩa khúc khích. Nhưng chẳng sao cả, từ những lần như thế, mình thấy mình dạn dĩ hơn.

Vì thế, câu hỏi ở đây là bạn có sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của mình để có thể hoàn thành tốt những đầu việc mà vị trí mà bạn theo đuổi trong ngành truyền thông đang đòi hỏi hay không mà thôi?

Câu hỏi thứ 2: Bạn có hiểu về ngành truyền thông không?

Có một bạn chia sẻ như thế này: “Em đang có ý định học truyền thông marketing nhưng em là đứa hướng nội và không giỏi kết bạn. Mọi người bảo như thế thì sẽ có ít cơ hội phát triển lâu dài.”

Tự nhiên mình nhớ đến anh designer trong cùng agency quảng cáo hồi trước mình làm. Anh ấy hướng nội toàn tập luôn và thậm chí không buồn thảo mai “hoà tan” vào tập thể. Nhưng anh ấy vẫn được đánh giá rất cao, vẫn được trả lương rất hậu hĩnh. Đơn giản vì anh ấy rất giỏi. Thế đấy bạn ạ. Chắc một khi giỏi, chúng ta làm gì cũng đúng.

Vấn đề là sẽ thế nào nếu chúng ta không giỏi đến mức đó. Tình huống này có vẻ phổ biến hơn này.

Khi hỏi “Bạn có hiểu về ngành truyền thông không”, mình đã hỏi dựa trên giả định xây dựng từ cảm nhận cá nhân sau khi đọc các câu hỏi, chia sẻ của các bạn: bạn nào cũng cho rằng học truyền thông là phải năng động, phải nói nhiều, phải giỏi giao tiếp… và các bạn ấy cho rằng đó là những việc chỉ dành cho người hướng ngoại. Nói chặp mình tưởng mình đang miêu tả nhân viên khảo sát thị trường, một ngày phải gặp và phỏng vấn trăm người.

♡ Books, Journals & Novels Oh My! ♡

Nhưng truyền thông là một phạm vi siêu siêu rộng và người hướng nội hoàn toàn có chỗ trong ngành truyền thông, thậm chí họ còn làm rất tốt. Nếu bạn tìm kiếm công việc trong ngành truyền thông, bạn có thể nghĩ đến nhiều vị trí khác nhau. Mình sẽ lấy ví dụ ra đây những vị trí mà bạn có thể sẽ hứng thú khi mới gia nhập ngành truyền thông (entry-level): Media Monitor, Social Media Content, Junior Copywriter, Junior Designer, Event Assistant…

Ngành truyền thông không phải chỉ gồm những người hướng ngoại đâu các bạn ạ. Đúng là thoạt nhìn thì người hướng ngoại sẽ có nhiều ưu điểm hơn khi đảm nhiệm các công việc trong ngành truyền thông. Nhưng bạn hiểu về người hướng nội mà đúng không. Người hướng nội cũng rất tài giỏi, họ biết cách lắng nghe và luôn nhiều năng lượng sáng tạo. Và mặc dù có thể bạn không giỏi giao tiếp và thể hiện ý tưởng của mình bằng lời nói nhưng bạn luôn có nhiều hơn một cách để thể hiện ý tưởng của mình và kêu gọi mọi người ủng hộ mà.

Điều bạn cần làm, sau khi đã biết rằng truyền thông có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho bạn, đó là tìm hiểu xem mình phù hợp với công việc nào nhất. Các bài trắc nghiệm tính cách và dự đoán công việc sẽ giúp ích phần nào. Nhưng mình nghĩ thực tế trải nghiệm vẫn sẽ giúp bạn nhiều nhất.

Hồi còn học đại học, mình có thời gian làm thực tập sinh Phân tích báo cáo tài chính cho một công ty đầu tư tài chính ở Hà Nội. Mình làm ở đó hơn hai tháng. Mình cứ nghĩ là mình phù hợp với công việc đó vì mình làm nó khá tốt. Nhưng dần dần, mình hiểu ra là mình có thể làm tốt không có nghĩa mình hợp với nó.

Thế là mình lại đi tìm kiếm một công việc khác.

Không chỉ đối với ngành truyền thông, dù bạn làm việc trong ngành nào, bạn cũng nên cho bản thân cơ hội thử và sai, từ đó tìm ra con đường mà bạn thực sự thuộc về.

Có chuyện này, hình như mình kể với các bạn rồi, đó là những buổi học đầu tiên của mình ở Ireland thường bắt đầu với nghi thức tự giới thiệu về bản thân với thầy cô và các bạn cùng lớp. Vào một trong những buổi như thế, khi mình đã quá chán ngán với việc lặp đi lặp lại những thông tin không mấy thú vị, mình đã nói ra sự thật: rằng quyết định đi học của mình đồng thời cũng là nỗi sợ hãi, đến trường và gặp gỡ những người khác mỗi ngày cũng là một nỗi sợ hãi, đơn giản vì mình là người hướng nội. Nhưng mình vẫn sẽ làm điều đó. Cũng giống như việc học bơi vậy. Mình rất sợ nước, nhưng mình vẫn quyết tâm học bơi. Trượt môn bơi ở trường đại học, mình tự đăng ký học ở ngoài. Những việc khiến mình sợ hãi, mình vẫn sẽ làm, vì đó là những gì mà mình yêu thích. Dù đó là bơi lội hay học và làm truyền thông. Hôm đó, thầy giáo mình đã bảo, nếu những gì mình nói là sự thật thì mình đã che giấu quá giỏi, vì mình chưa bao giờ có vẻ sợ hãi cả.

Và mình đã xem đó là một lời khen.

Thông thường ở đoạn này, người viết thường đưa ra các lời khuyên ngắn gọn để các bạn có thể tham khảo. Mình cứ nghĩ mãi. Bài viết thì đã dài, không biết các bạn đã đọc được cái gì hữu ích chưa. Đến đây mà vẫn chưa thì mình thực sự nên nói cái gì mà bạn có thể vận dụng được.

Ví dụ như là…

… Bạn nên tin tưởng và tự tin vào bản thân hơn. Là người hướng nội không phải là khuyết điểm. Ngược lại, đó là món quà mà bạn may mắn có được. Tuỳ vào cách nhìn của bạn thôi.

… Bạn nên thể hiện bản thân nhiều hơn. Đâu phải lúc nào cũng cần nói nhiều đâu. Chúng ta có nhiều cách để thể hiện bản thân mà. Viết này, chụp ảnh này, làm video này…

… Bạn nên vượt qua nỗi sợ bạn đang có. Dù nỗi sợ đó là gì, hãy liệt kê chúng trên giấy và lập kế hoạch xử lý chúng từ từ.

Có thể mình đã quên điều gì đó trong quá trình chia sẻ. Cũng chưa bao giờ viết một mạch dài như thế này cả. Nếu có quên điều gì nên viết, viết điều gì nên quên, hy vọng các bạn bỏ qua.

Và hơn tất cả, hãy thoải mái và tự tin với việc chúng ta là người hướng nội, bạn nhé.

Theo Góc nhỏ của Cây

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s