Bí Ẩn Khoa Học Đằng Sau Sự Trì Hoãn


“Mạng Internet là một công cụ tuy hữu ích nhưng cũng rất dễ khiến con người bị phân tâm, trì hoãn” – quan điểm này dường như đã quá quen thuộc phải không? Nhưng dù bạn có suy nghĩ như thế nào đi chăng nữa thì nguyên nhân chủ chốt dẫn đến xu hướng trì hoãn không phải là do Internet mà chính bản thân nó đã có mặt ngay từ buổi rạng đông của văn minh nhân loại.

THẾ NÀO LÀ TRÌ HOÃN?

Hãy cùng lật lại trang sử của loài người từ thời nền văn minh cổ đại. Bàn về sự trì hoãn, vào khoảng năm 800 TCN, nhà thơ tiên khởi người  Hy Lạp Hēsíodos đã để lại một lời cảnh báo cho chúng ta rằng: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Hay như lãnh sự La Mã Cicero ám chỉ nó là thứ vô cùng “đáng ghét”. Ngày nay, sự trì hoãn được ví như hình ảnh những con khủng long dù đã nhìn thấy hiểm nguy cận kề (thiên thạch đang rơi), nhưng thay vì tập trung vào mục tiêu quan trọng nhất là chạy trốn thì chúng lại nhởn nhơ và bình chân như vại.

Trong suốt 20 năm qua đến nay, các nhà nghiên cứu tâm lý đã nhận ra rằng sự trì hoãn không chỉ đơn giản là “Việc hôm nay chớ để ngày mai” của Hēsíodos mà thực chất là sự thất bại trong việc kiểm soát bản thân, hay chần chừ, lảng tránh, tự dối lừa chính mình rằng còn nhiều thời gian để hoàn thành công việc, mặc cho hạn chót đang cận kề và hậu quả có ra sao. Nhiều người cứ biện minh theo chủ quan rằng là do quỹ thời gian của họ quá ít, nhưng xét theo góc độ khách quan thì nó là do năng lực quản lý cảm xúc còn yếu kém.

Là người tiên phong nghiên cứu về chủ đề này, ông Joseph Ferrari, giáo sư tâm lý học tại Đại học DePaul (Mỹ) cho rằng dù nhiều người có xu hướng trì hoãn nhưng điều đó không có nghĩa tất cả mọi người đều là những kẻ ưa trì hoãn. Theo một thí nghiệm của ông, có khoảng 20% số người tham gia mắc chứng “trì hoãn mãn tính”. Đối với họ, quản lý thời gian cũng chẳng có nghĩa lý gì. Thậm chí, việc thúc giục họ “Hãy làm việc đi!” chẳng khác nào như đi cổ vũ “Hãy vui lên!” cho một người bị mắc bệnh trầm cảm lâm sàng cả.

HẬU QUẢ

Vừa rắc rối, vừa gây ra rất nhiều ảnh hưởng nguy hại!

Ở nhiều nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học chỉ ra rằng những người có thói quen trì hoãn thường có mức độ căng thẳng cao hơn nhiều so với mức độ hạnh phúc. Bên cạnh đó, việc chần chừ còn ảnh hưởng tới những yếu tố liên quan đến lợi ích cá nhân như thu nhập hưu trí không thỏa mãn hoặc những buổi thăm khám sức khỏe bị bỏ lỡ.

Không chỉ vậy, một cuộc khảo sát do H&R Block thực hiện cho thấy rằng việc chần chừ đến phút chót (ngày 15/4) mới kê khai thuế đã khiến cho mỗi cá nhân phải tiêu tốn thêm đến hàng trăm đô mỗi năm.

Càng căng thẳng, càng hao hụt năng suất lao động

Nhiều người có góc nhìn sai lệch về sự trì hoãn và cho rằng đó là một thói quen vô hại trong trường hợp tệ nhất và thậm chí còn là một thói quen hữu ích  trong hoàn cảnh thuận lợi nhất. Theo quan điểm của những người đồng tình với sự trì hoãn, không quan trọng việc đó xong khi nào, miễn là cuối cùng nó sẽ được hoàn thành. Một số thậm chí còn tin áp lực càng lớn, mình càng làm việc năng suất hơn.

Nhưng nhà triết học John Perry (Stanford), tác giả của cuốn sách “The Art of Procrastination” lại có ý kiến tranh luận rằng chính hành động chuyển đổi to – do list, thay thế các công việc có mức độ ưu tiên cao hơn bằng những việc có mức độ ưu tiên thấp mà bản thân yêu thích hoặc cảm thấy thoải mái hơn sẽ khiến cho hiệu suất lao động bị lãng phí rất nhiều.

Đây là quan điểm để lại không ít những khó khăn cho các nhà khoa học tâm lý trong quá trình phân tích, nghiên cứu. Họ cũng đưa ra ý kiến phản bác rằng chần chừ không phải là không có cái lợi riêng mà còn tạo ra nhiều hành động tích cực mang tính tiên phong như cân nhắc kỹ lưỡng (trong trường hợp phải giải quyết các vấn đề quan trọng) hoặc tạm ngưng đúng lúc những thói quen làm việc theo kiểu bốc đồng, làm theo sở thích, ngẫu hứng. Hay nếu tiến độ công việc càng mơ hồ, không nhất quán, thì sự trì hoãn lúc này sẽ là không có tiến độ nào cả.

Giáo sư Ferrari giả sử một người trì hoãn có hàng tá việc phải làm, trong đó việc thứ 10, 11 và 12 phải chờ thêm thời gian, thì họ có thể làm trước khoảng 1 – 2 việc, sau đó lên lại to – do list, xáo trộn các công việc và tạo ra một bản sao khác. Đó chính là sự trì hoãn.

Vào năm 1997, một trong những nghiên cứu đầu tiên ghi nhận bản chất nguy hiểm của sự trì hoãn đã được công bố trên trang Psychological Science. Tại trường Đại học Case Western Reserve (Mỹ), giáo sư nghiên cứu khoa học Mỹ Dianne Tice và nhà tâm lý học xã hội Roy Baumeister đã đánh giá sinh viên đại học theo thước đo của sự trì hoãn, sau đó theo dõi kết quả học tập, nỗi căng thẳng và tình trạng sức khỏe nói chung trong suốt học kỳ của họ. Kết quả ban đầu dường như khá khả quan, có lẽ vì những sinh viên trì hoãn đã bỏ bê việc học chính để theo đuổi các hoạt động vui thú hơn nên mức độ căng thẳng của họ thấp hơn so với những người khác. Tuy nhiên, cái giá phải trả của sự trì hoãn cuối cùng cũng vượt xa hơn ngoài mong đợi. Điểm số của những sinh viên trì hoãn thấp hơn rất nhiều so với các sinh viên khác, ngược lại, nỗi căng thẳng và nguy cơ bệnh tật ốm yếu lại tăng cao hơn lúc ban đầu. Những đối tượng sinh viên ấy vừa không hoàn thành mục tiêu của mình vừa phải chịu hậu quả sức khỏe tiêu cực.

Vì vậy, mặc dù có biện hộ và đưa ra những lợi ích ngắn hạn, nhưng Tice và Baumeister cũng phải kết luận rằng sự trì hoãn không thể được coi là khả năng thích nghi hoặc vô hại được. Bởi hậu quả cuối cùng chúng gây ra cho con người chỉ toàn là sự căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, hiệu suất lao động giảm sút và thậm chí ảnh hưởng đến cả sức khỏe nữa.

Sau đó, Tice và Ferrari tiếp tục thực hiện thêm một nghiên cứu nữa để minh chứng cho những ảnh hưởng xấu của sự trì hoãn trong một hoàn cảnh nhất định. Họ chia hai nhóm học sinh rồi đưa ra một câu đố toán học. Họ nói với một nhóm rằng đây là bài  kiểm tra khả năng nhận thức, còn với nhóm còn lại thì đây chỉ là bài kiểm tra vui thôi. Trước khi làm bài kiểm tra, các sinh viên sẽ có một khoảng thời gian tạm thời để chuẩn bị cho nhiệm.

Đúng như mọi thứ diễn ra. Khi được biết đây là bài kiểm tra đánh giá trình độ nhận thức, những người trì hoãn kinh niên sẽ chần chừ giải câu đố. Còn khi được mô tả đây như một bài kiểm tra vui, họ đã làm bài kiểm tra bình thường như những người không trì hoãn. Trong một số báo của tờ Journal of Research in Personality từ năm 2000, Tice và Ferrari đã kết luận rằng sự trì hoãn đích thực là một hành vi tự hủy hoại, làm suy yếu những nỗ lực tốt nhất của chính bản thân người đó.

Ferrari kết luận với lối sống không lành mạnh như vậy, người trì hoãn kinh niên luôn muốn người khác nghĩ rằng họ thiếu nỗ lực làm việc chứ không phải là thiếu khả năng.

Khoảng trống giữa ý định và hành động

Tuy chưa có từng loại người trì hoãn nhất định nhưng qua nhiều năm nghiên cứu thì một vài “bộ mặt” nổi bật đã bắt đầu lộ diện. Những người trì hoãn kinh niên luôn gặp vấn đề trong việc hoàn thành nhiệm vụ, trong khi nhiều khả năng trì hoãn lại nằm trong chính nhiệm vụ đó. Đặc biệt là đối với người chuyên bốc đồng và tính tự giác kỷ luật kém, khi gặp phải những công việc khó là y như rằng họ không thể tránh khỏi sự chần chừ, trì hoãn xảy đến (hành vi có mối liên kết chặt chẽ với 5 đặc trưng tính cách trong lương tâm).

Hầu hết, những người trì hoãn hay có xu hướng tự hủy hoại mình, nhưng cũng có thể là do họ rơi vào trạng thái quá tiêu cực (ví dụ: sợ thất bại, cầu toàn,..) hoặc quá tích cực (rơi vào cám dỗ). Suy cho cùng, dựa trên những ảnh hưởng tiêu cực trên, các nhà nghiên cứu đã xếp sự chần chừ như một yếu tố phá vỡ những “tinh hoa” của tinh thần.

Ông Timothy Pychyl, giảng viên tại trường Đại học Carleton, Canada cho biết riêng khái niệm cơ bản “trì hoãn là sự thất bại trong việc tự kiểm soát bản thân” đã khá rõ ràng rồi. Đó là khi bạn biết mình cần phải làm gì nhưng chính bản thân bạn thì không thể tự mình làm điều đó. Đấy chính là khoảng trống giữa ý định và hành động.

Các nhà khoa học xã hội tranh luận rằng liệu có lời giải thích nào tốt hơn cho sự tồn tại của khoảng cách này bằng biểu hiện quản lý thời gian kém hoặc thiếu khả năng điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc hay không. Các nhà kinh tế học có xu hướng ủng hộ lý thuyết cũ hơn. Còn nhiều người khác thì tán thành một công thức chung cho sự trì hoãn do học giả kinh doanh Piers Steel, giáo sư tại Đại học Calgary đúc kết, công bố trên trang Psychological Bulletin năm 2007. Ông cho rằng những người trì hoãn muốn làm những việc mang cảm giác tận hưởng, thoải mái trước, rồi mới giải quyết sau những việc quan trọng khi deadline đang cận kề sau.

Mặt khác, Ferrari và Pychyl đã nhìn thấy những sai sót trong một quan điểm đúng đắn về sự trì hoãn. Nếu một việc bị chậm trễ vừa phải so với những tính toán hợp lý thì nó không phải là trì hoãn mà là vấn đề về quản lý thời gian. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn phát hiện những người trì hoãn thường mang theo cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc lo lắng với quyết định của họ chứ không đơn thuần là chưa quản lý được thời gian khi ở một mình.

Nhận thấy vai trò thiết yếu của tâm trạng và cảm xúc con người khi trì hoãn, vào giữa những năm 1990, Pychyl đã củng cố khái niệm đó bằng một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Social Behavior and Personality vào năm 2000. Ông đã đưa cho 45 sinh viên mỗi người một máy nhắn tin và theo dõi họ trong 5 ngày trước hạn deadline nộp báo cáo trên trường. Cứ 8 lần/ngày, mỗi khi có tiếng bíp tin nhắn tới, mức độ chần chừ cũng như trạng thái cảm xúc của những người tham gia thử nghiệm đã dần thay đổi rõ rệt. Khi công việc ngày càng khó khăn và căng thẳng hơn, các sinh viên hay rời tạm chúng sang một bên để làm những việc thư giãn trước đã. Tuy nhiên, lúc làm như vậy, họ cảm thấy rất tội lỗi và xấu hổ. Dựa vào kết quả thí nghiệm trên, Pychyl nhận ra rằng những người trì hoãn dù đã nhận ra hậu quả trong hành động ấy nhưng bản thân họ vẫn chưa thể vượt qua yếu tố cảm xúc nhất thời.

Còn trong số phát hành năm 2001 của tạp chí Journal of Personality and Social Psychology, để tiếp tục củng cố sự chi phối của tâm trạng khi trì hoãn, Tice cùng nhóm của mình thử nghiệm với một nhóm sinh viên khác, nói với họ “Bạn có tinh thần hoàn toàn ổn định”, và kết quả là họ không hề trì hoãn làm bài kiểm tra trí thông minh. Ngược lại, khi họ nghĩ rằng tâm trạng của họ chưa ổn định (đặc biệt là khi tâm trạng của họ đang tồi tệ), họ đã trì hoãn làm bài tập cho đến phút cuối cùng. Từ những dữ liệu trên, người ta thấy khả năng tự kiểm soát chỉ thua cám dỗ khi cảm xúc hiện tại được cải thiện.

Theo ông Pychyl, cảm xúc tác động rất nhiều đến trì hoãn. Bởi ngay cả bản thân ông cũng khó tránh khỏi những chuyện làm ảnh hưởng đến cảm xúc. Chỉ khi nó đã được giải quyết rồi thì ông mới có thể tiếp tục quay về làm việc. Còn nếu có những lúc bạn muốn nổi loạn, chống đối, đình công, đó là do bạn đang cảm thấy công việc đó quá nhàm chán và thiếu thú vị.

Thất vọng về tương lai

Nói chung, mọi người hầu hết rút ra bài học và kinh nghiệm từ những sai lầm trước đó của mình. Nhưng nghịch lý ở chỗ đối với những người trì hoãn kinh niên, vòng phản hồi đó dường như không hề có tác dụng. Hơn thế, họ còn chẳng nhận thức được rằng lần sau phải bắt đầu làm việc sớm hơn. Tất cả những nghịch lý này đều bị cảm xúc chi phối. Làm cách nào giảm căng thẳng thật nhanh chóng để ngăn nguy cơ trì hoãn xuất hiện? Câu trả lời vẫn còn là một ẩn số chưa lời giải đáp.  

Ông Fuschia Sirois, giảng viên tại trường Đại học Giám mục (Canada) cho rằng phần lớn trì hoãn xảy ra nhiều nhất trong quá trình điều chỉnh tâm trạng. Nếu chỉ muốn thỏa mãn bản thân trước thì trong tương lai, bạn sẽ khó lòng học được cách sửa chữa và phòng tránh những vấn đề tương tự trong tương lai.

Vài năm trước, Sirois đã mời khoảng 80 sinh viên để đánh giá mức độ trì hoãn của họ bằng cách đọc một bản mô tả về các sự kiện đầy căng thẳng, lo lắng do sự chậm trễ gây ra. Theo như kịch bản, một người trở về sau kỳ nghỉ hè xả hơi, anh ta bỗng thấy một nốt ruồi lạ xuất hiện, nhưng lại cứ chần chừ chẳng đi khám bác sĩ ngay. Hậu quả là vết “nốt ruồi” ấy ngày càng trở nên tệ hơn và sức khỏe của anh ta cũng vậy.

Sau đó, Sirois hỏi những người tình nguyện xem họ nghĩ gì về kịch bản. Kết quả cho thấy, những người trì hoãn thường sẽ nói kiểu “Là tôi thì tôi sẽ đi khám ngay trước khi nó biến chuyển tồi tệ hơn”. Loại trì hoãn mang tính “phá hoại” này cho thấy người nói chỉ muốn cải thiện tâm trạng càng nhanh càng tốt thôi. Còn với những nói kiểu như “Giá như tôi nên đi khám bệnh sớm hơn” lại là loại trì hoãn mang tính “xây dựng”, giúp kìm hãm căng thẳng nhất thời để hướng tới bài học trong tương lai.  Nói một cách đơn giản, người trì hoãn chỉ muốn giải tỏa cảm xúc căng thẳng nhanh chóng hơn là rút ra bài học sâu sắc sau mỗi vấn đề xảy ra.

Gần đây, Sirois và Pychyl đã cố gắng thống nhất giữa khía cạnh cảm xúc của sự trì hoãn với mặt hiện thực thực tế. Trong tạp chí Social and Personality Psychology Compass số tháng 2 , họ đề xuất một thuyết gồm hai phần: một là về sự trì hoãn ngắn hạn và cải thiện tâm trạng dài hạn, hai là những thiệt hại về thời gian. Như vậy, ta sẽ thấy những người trì hoãn hay tự an ủi bản thân bằng những niềm tin sai lệch rằng trong tương lai, họ sẽ quản lý cảm xúc tốt hơn khi gặp một vấn đề tương tự như này.

Sirois khuyên rằng đừng nên bắt bản thân mình trong tương lai phải gồng gánh trách nhiệm cho những hậu quả của sự trì hoãn. Hãy xây dựng hình ảnh tương lai của mình trong tiềm thức là một phiên bản tốt hơn của mình hiện tại, biết xử lý cảm xúc khéo léo hơn và cải thiện kỹ năng làm việc khá hơn.

SỰ TRÌ HOÃN DƯỚI GÓC NHÌN KHOA HỌC

Gần đây, nhiều nghiên cứu về hành vi trì hoãn đã vượt xa hơn tầm nhận thức, cảm xúc và tính cách và chạm tới lĩnh vực của khoa học thần kinh. Giảng viên Laura Rabin của trường Đại học Brooklyn nói rằng có một điều mà chưa từng ai để tâm nghiên cứu tới đó là các hệ thống ở thùy trước trán có liên quan đến khả năng tự kiểm soát bản thân, được ví như ĐẦU RA của các hành vi như giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, tự kiểm soát và tương tự.

Laura cho biết chính mối liên hệ giữa khả năng tự kiểm soát bản thân với sự trì hoãn trừu tượng là nguyên do dẫn đến hành vi trì hoãn thường thấy ở học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, điều này chưa được đào sâu và nghiên cứu kỹ càng cho sinh viên hiểu rõ, khắc phục được.

Để giải quyết vấn đề này, Rabin cùng đội nghiên cứu đã mời 212 sinh viên tham gia đánh giá về khả năng trì hoãn dựa trên 9 thang đo mức độ tự kiểm soát bản thân: bốc đồng, tự giám sát, lập và tổ chức kế hoạch, chuyển đổi hành động, công việc khởi đầu, nhiệm vụ giám sát, kiểm soát cảm xúc, trí nhớ linh hoạt, giữ kỷ luật. Các nhà nghiên cứu dự kiến ​​sẽ tìm ra sự xuất hiện của  trì hoãn trong số các thang đo trên (cụ thể là 4 thang đo đầu tiên). Với những người trì hoãn thì nó sẽ xuất hiện ở cả 9 yếu tố. (đăng trong tờ tạp chí Journal of Clinical and Experimental Neuropsycholog năm 2011)

Đồng thời, nghiên cứu còn cho thấy sự chần chừ có thể là một biểu hiện của rối loạn chức năng tinh thần ở người bình thường. Vậy làm thế nào để kiểm soát và thoát khỏi vòng xoáy vô hình này?

PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC CẢI THIỆN SỰ TRÌ HOÃN

Khi đã thực sự hiểu rõ căn bản về sự trì hoãn, nhiều nhà nghiên đã tìm ra một số biện pháp khắc phục cho sự chậm trễ ngoài mong muốn. Một trong số đó là biện pháp chia nhỏ nhiệm vụ ra, giúp cho mọi người dễ kiểm soát hành vi và hoàn thành mục tiêu nhanh hơn.

Ngoài ra, họ có thể tìm một người tư vấn về cách làm sao để vừa hoàn thành được mục tiêu dài hạn vừa không căng thẳng. Tư vấn có thể giúp họ nhận ra rằng họ đang thỏa hiệp các mục tiêu dài hạn để đạt được niềm vui nhanh chóng. Các nhà nghiên cứu về hành vi Dan Ariely và Klaus Wertenbroch đã tìm ra đó là hành vi “tiền thỏa thuận”. Trong đó, những người trì hoãn sẽ sẵn sàng đặt ra thời hạn mà có ý nghĩa cho bản thân họ, và cách này thực tế đã cải thiện khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ lên rất nhiều. Tuy những thời hạn tự đặt kiểu này không hiệu quả bằng thời hạn bắt buộc, nhưng thà có còn hơn không.

Bên cạnh đó, để chống lại sự cám dỗ, bản thân mỗi người cần phải ngăn chặn nguy cơ gây ra xao lãng một cách dứt khoát, mạnh mẽ. Sirois tin rằng cách tốt nhất để loại bỏ nhu cầu cải thiện tâm trạng “càng nhanh càng tốt” là tìm ra điểm tích cực hoặc có giá trị của công việc đó.

Ferrari cũng đưa ra nhiều ý tưởng và phương pháp cải thiện sự trì hoãn. Đó là thay vì trừng phạt người trì hoãn, ông sẽ tăng thưởng cho những người hoàn thành công việc sớm. Hay như đề xuất chính phủ liên bang nên khuyến khích mọi người nộp thuế sớm bằng cách cho mọi người nghỉ ngơi một chút nếu họ nộp thuế vào tháng 2 hoặc 15/3. Ngoài ra, ông cũng khuyên chúng ta ngưng kích hoạt sự trì hoãn trong các mối quan hệ cá nhân.

Một phương pháp nữa cũng khá quen thuộc mà ai cũng biết đến đó là “Thương cho roi cho vọt”. Tuy nhiên, phương thuốc tốt nhất cho sự trì hoãn có lẽ là sự tha thứ cho bản thân. Một vài năm trước, Pychyl đã cùng hai đồng nghiệp tại Đại học Carleton tham gia khảo sát 119 sinh viên về sự trì hoãn trước kỳ thi giữa kỳ của họ. Kết quả cho thấy, những sinh viên tự tha thứ cho mình sau khi trì hoãn ôn luyện cho bài kiểm tra đầu tiên ít có khả năng tiếp tục trì hoãn lần hơn.

Đọc đến đây, có lẽ bạn đã nhận thức được sự trì hoãn có ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến con đường thành công và hạnh phúc của chính bạn. Hãy nhớ rằng, đừng để trì hoãn cướp đi tài sản quý giá nhất của cuộc đời bạn, đó là THỜI GIAN.

*Nguồn Psychological Science: https://www.psychologicalscience.org/observer/why-wait-the-science-behind-procrastination

Dịch: tamly.blog

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s